PT-E550W - Trợ thủ đắc lực của chuyên viên thi công điện và viễn thông
Dòng sản phẩm máy in nhãn cầm tay đầu tiên của Brother hỗ trợ tính năng kết nối Wi-Fi đến các thiết bị sử dụng hệ điều hành Windows, iOS, Mac OS và Android.
Sản phẩm máy in nhãn mới P-Touch PT-E550W cho lĩnh vực Điện, Viễn thông và IT vừa được công ty Brother International Việt Nam ra mắt tại thị trường Việt Nam. Đây là dòng sản phẩm máy in nhãn cầm tay đầu tiên của Brother hỗ trợ tính năng kết nối Wi-Fi đến các thiết bị sử dụng hệ điều hành Windows, iOS, Mac OS và Android. Những phân tích và đánh giá chi tiết trong bài viết dưới đây về PT-E550W sẽ giúp khách hàng có nhiều thông tin hơn để lựa chọn sản phẩm phù hợp.
1. Giới thiệu
Máy PT-E550W được làm chủ yếu từ nhựa cứng với màu sắc chủ yếu là cam và đen– màu chủ đạo cho các dòng máy P-Touch của Brother. Màn hình LCD 3,4 inch đơn sắc và các phím bấm được thiết kế theo kiểu QWERTY bằng cao su giúp người dùng nhập liệu nhanh và quan sát rõ được các ký tự trên màn hình. Mặc dù được thiết kế để cầm tay nhưng máy có kích thước khá lớn, 94 x 126 x 250 mm, kết hợp với trọng lượng khá nặng khoảng 0,95 kg (không tính pin đi kèm) nên bạn sẽ mất nhiều thời gian nếu chỉ dùng bằng một tay thao tác, và có cảm giác mỏi nếu dùng trong thời gian dài. Tuy nhiên, chỉ cần đặt PT-E550W trên mặt phẳng bất kỳ như mặt bàn hoặc cầm bằng hai tay và dùng hai ngón cái để thao tác, mọi việc sẽ dễ hơn rất nhiều.
2. Thiết lập
Phụ kiện đi kèm theo PT-E550W là bộ adapter cấp nguồn, pin sạc lithium-ion và hộp nhãn cỡ 12 mm. Thiết bị sử dụng nguồn DC vì vậy trong trường hợp quên adapter và pin lithium-ion, bạn có thể dùng pin Alkaline cỡ AA dễ dàng tìm mua ở bất kỳ đâu. Khi cần tháo lắp pin và thay nhãn, bạn cũng không mất quá nhiều thời gian, đơn giản chỉ cần mở nắp phía sau của máy bạn sẽ ngay lập tức thực việc được việc thay thế.
Ngoài các phím nhập liệu cơ bản, PT-E550W còn được trang bị các phím ứng dụng (cách gọi của Brother). Các phím này được thiết kế với màu trắng nổi bật hơn các phím còn lại. Mỗi phím ứng dụng là một mẫu nhãn được thiết kế sẵn với các thông số có thể điều chỉnh lại như kiểu chữ, kích thước đường kính cáp, in chữ một lần hoặc lặp lại. Ví dụ: phím “Cable Wrap” với tùy chọn in lặp lại sẽ in các định danh cáp (ID cáp) dọc theo chiều dài cuộn nhãn. Khi quấn nhãn lên cáp, các ID cáp này sẽ được nhìn thấy ở bất kỳ góc độ nào, không cần phải điều chỉnh lại vị trí sợi cáp mà vẫn dễ đọc.
Bên cạnh đó, PT-E550W còn tích hợp khả năng in mã vạch cũng như in nhảy chữ hoặc số tự động. Tính năng nhảy chữ hoặc số tự động có thể giúp tiết kiệm thời gian khi ta cần in một tập hợp nhiều nhãn có số thứ tự tự động tăng dần.
3. Nhãn in
PT-E550W chủ yếu sử dụng nhãn nhựa nhiều lớp có nylon bảo vệ bên ngoài. Brother cung cấp khoản 70 loại nhãn đa dạng như: loại tiêu chuẩn nhiều lớp, loại siêu dẻo (thường dùng cho đánh nhãn cáp), hoặc loại siêu dính (dùng khi cần dán lên các bề mặt ghồ ghề hoặc trong môi trường khắc nghiệt). Kích cỡ nhãn dao động từ 6 mm đển 24 mm với nhiều màu sắc, chủ yếu là chữ đen trên các nền trắng, đỏ, vàng, xanh hoặc trong suốt.
Ngoài ra, còn một loại nhãn đặc biệt ít phổ biến là ống co nhiệt. Như tên gọi, nhãn được in ra từ máy dưới dạng ống sau đó được lồng vào cáp. Dưới sức nóng từ súng nhiệt chuyên dụng hoặc máy sấy tóc công suất cao, nhãn sẽ co lại và bám chặt vào cáp.
4. Tạo nhãn và in nhãn
Rất đơn giản để thiết kế và in nhãn với thiết bị PT-E550W. Tương tự tất cả các máy in nhãn khác của Brother, công việc cần làm chỉ là: chọn mẫu nhãn muốn in, nhập liệu và in. Bạn có thể thao tác ngay trên máy hoặc kết nối trực tiếp với PC để in. Một trong những tính năng nổi bật và ấn tượng nhất của máy là việc bạn có thể chép vào bộ nhớ trong của máy–hỗ trợ 6 MB–các tập tin excel được thiết kế sẵn nhãn và in trực tiếp từ các thiết bị di động thông qua kết nối Wi-Fi theo chuẩn 802.11 b/g. Tính năng này cực kỳ có ích khi bạn đang ở công trường nhưng lại chưa chép tập tin excel, lúc này bạn có thể sử dụng điện thoại thông minh truy cập mail, tiến hành tải, sau đó chép tập tin vào máy và dùng ứng dụng Label Tool để in trực tiếp từ điện thoại. PT-E550 có khả năng kết nối với mạng không dây hoặc chính bản thân máy sẽ là một Access Point để thiết bị di động kết nối đến. Rõ ràng tính năng này giúp bạn tiết kiệm khá nhiều thời gian và công sức. Có thể ban đầu sẽ gặp không ít khó khăn khi in nhãn từ thiết bị di động, nhưng một khi đã quen, bạn sẽ thấy các thao tác trở nên rất đơn giản và dễ dàng. Tại thời điểm hiện tại khi đọc bài viết này, máy chỉ hỗ trợ 2 hệ điều hành Android và iOS.
Bên cạnh Wifi, máy PT-E550W còn được trang bị khả năng tự động cắt nhãn với tùy chọn “half-cut”– máy sẽ tự động cắt một nửa nhãn (phần nylon có lớp keo) mà không cắt rời phần đế nhãn– tính năng chỉ xuất hiện trên các dòng máy in nhãn cao cấp để bàn. Với “half-cut”, bạn có thể in nhiều nhãn và để chúng trên cùng một dải đế. Khi sử dụng, bạn chỉ cần tháo từng nhãn ra khỏi dải đế. Các thao tác rất đơn giản và nhanh chóng giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian khi làm các công trình lớn.
5. Tốc độ in nhãn
Để kiểm tra tốc độ in của máy PT-E550W, bạn có thể chọn kiểu in Cable Wrap với các thiết lập mặc định và nhập vào chữ “PC Labs”. Thời gian để máy in và cắt nhãn là 7,6 giây. Nếu in 10 nhãn giống nhau liên tục kết hợp với tính năng half-cut, máy cần 45 giây để hoàn tất.
6. Kết luận
Nếu công việc không đòi hỏi bạn thường xuyên phải đánh nhãn cáp, các thanh đấu nối cáp (patch panel), ổ cắm mạng và điện, bạn chỉ cần trang bị một máy in nhãn tầm trung như PT-E300 hoặc PT-E100. Nhưng nếu bạn làm việc trong các đơn vị thi công, lắp đặt hệ thống mạng, điện chuyên nghiệp và cần đánh nhãn nhanh chóng, chính xác thì PT-E550W sẽ là sản phẩm phù hợp về chất lượng cũng như giá thành.